Vào những ngày mây trắng bao phủ cả con đèo, đứng trên con đường này bạn như lạc vào một xứ sở thần tiên.
Mã Pí Lèng vẫn được biết đến là đèo hiểm trở nhất trong tứ đại đỉnh đèo lừng danh ở khu vực phía Bắc (gồm đèo Ô Quy Hồ, đèo Pha Đin, đèo Khau Phạ, Mã Pí Lèng). Nhưng ít ai biết rằng, phía trên con đèo này còn tồn tại một con đường đi bộ vắt trên những sườn núi cao cheo leo.
Lặng ngắm Mã Pí Lèng ngày mây phủ
Con đường đi bộ mang tên Tuyến đi bộ Vách đá trắng dài 5km, nối từ thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng qua “Vách Đá Trắng” trên đỉnh núi Cô Tiên đến thôn Mã Pì Lèng xã Pả Vi.
Một vài tài liệu cho rằng đây mới chính là con đường, trong quá khứ không xa, từng được người dân địa phương sử dụng để giao thương giữa Đồng Văn và Mèo Vạc cũng như được vua Mèo dùng để di chuyển. Hiện tại, người dân vẫn hằng ngày đi lại trên con đường này: đi làm nương, đi chợ, trẻ em đi học.
Thông tin tuyến đi bộ Vách đá trắng
Chúng tôi đã may mắn được đi bộ trên con đường này vào một ngày nhiều mây. Những đỉnh núi nhọn hoắt thường ngày nhấp nhô trong biển mây đẹp đến ngỡ ngàng. Có những đoạn mà sau một khúc quanh với mỏm đá nhô ra che khuất tầm nhìn, bạn chẳng thể nào biết được hình dáng của đoạn đường tiếp theo mình sẽ đi.
Con đường đi bộ 1 bên vực một bên núi
Với người dân sinh sống ở đây, cảnh tượng ấy có lẽ chẳng có gì để ngạc nhiên. Mây trời cũng như đá núi, là những thứ họ đã quen thuộc từ thuở lọt lòng. Tuy nhiên, họ cũng cho biết rằng thường biển mây như thế này chỉ xuất hiện sau những ngày mưa với độ ẩm thấp, từ tháng 11 đến tháng 3. Và chúng tôi là những người may mắn khi được tận mắt ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy.
Quốc lộ 4C và hẻm Tu Sản chìm trong mây
Tôi đã ngồi rất lâu trên mỏm đá tít cao nhìn xuống biển mây, thả chân đu đưa xuống vách núi, nhớ đến một bài viết mình đọc gần đây kể về chuyến đi trekking của một ông già người Nhật ở Nepal. Ông già ấy đã dừng lại một tuần ở một ngôi làng chỉ để chờ ngày mây tan, chờ mùa mưa đi qua, chờ thời tiết đẹp hơn, trả lại cho dãy núi bầu trời trong veo mây xanh.
Ờ thì “mặt trời kiểu gì cũng sẽ ló thôi” như lời Đen Vâu hát. Như thể chỉ có những người biết kiên nhẫn chờ đợi và không ngại “đánh cược” với thời gian cùng may mắn, rồi sẽ gặp được điều mình chờ mong: rằng hoa sẽ nở, trời sẽ xanh, hay một ngày người mà ta thích cũng quay sang bảo thích ta vậy.
Tôi đã ngồi ngắm mây rất lâu
Cũng như quãng đường đi của tôi, sương mù giăng lối đó rồi cũng nắng ngay đó. Gặp mưa phùn ngay chân dốc Chín Khoanh, chúng tôi phải quay ngược xuống Phố Cáo trú mưa bên mái hiên một nhà văn hóa, lôi hết áo xống ra mà mặc thêm vào vì lạnh. Thế mà chỉ sau một đêm, đang ngồi quán ăn chờ bánh cuốn mòn mỏi thì thấy nắng vàng ươm phố cổ, chị em xúng xính áo len, giày bốt xinh tươi. Tôi và bạn gom đồ chạy lên Mã Pí Lèng.
Chúng tôi dừng xe sát bên vách đá, bắt đầu đi bộ men theo con đường xuyên mây mà chẳng hề gặp một bóng dáng khách du lịch nào. Dường như mọi người còn đang mải mê ở con đường dẫn đến Mã Pí Lèng, đến Nho Quế và hẻm Tu Sản mà lãng quên một chốn hoang vu này.
Thế cũng hay, chúng tôi vừa nhàn tản đi bộ vừa ngắm mây, ngắm núi, chờ mặt trời ló ra sau biển mây bồng bềnh. Thỉnh thoảng tôi lại gặp một vài phụ nữ gùi từng tấm tôn xi măng lợp mái nhà to kềnh, leo ngược lên những vách đá chót vót.
Đoàn khách nước ngoài đi bộ trên đường
Đi mãi đến đầu mỏm đá tôi mới gặp một anh hướng dẫn viên dẫn một đoàn khách nước ngoài đang chụp ảnh. Anh bảo tuyến này mới nên còn ít người biết, nhưng khách Tây lại rất khoái vì được đi bộ ngắm cảnh. Đi tiếp cùng anh và đoàn khách, chúng tôi được xuyên qua một ngôi làng nhỏ, người dân đang tập trung ra đốt nương và xuống giống ngô.
Con đường vắt qua toàn đá
Người dân cõng tấm tôn lợp nhà
Đi khắp cao nguyên đá đều dễ dàng gặp những đám khói bốc lên cao từ những khe núi, đỉnh đồi. Chỗ nào có khói bốc lên là biết chỗ ấy người ta có thể trồng ngô, trồng cải. Nhiều hồi nhìn tận lên phía những sườn núi cheo leo thấy đám khói bốc lên tôi vẫn không tin được trên ấy có nhà, có người, và người ta lại sống được trên cái rẻo đá ấy.
Một gia đình đang làm nương
Tôi tự hỏi người già mà ở tận trên ấy thì chắc cả đời không đi đâu nữa. Vừa đi vừa nhìn người ta cặm cụi cuốc từng xíu đất đọng trên đá, thả vào đó vài hạt giống mà phục.
Bản làng chen trong đá và mây
Tôi cũng từng đem thắc mắc này hỏi một cậu bạn người Hà Giang rằng trên này thấy có đặc sản hồng không hạt, vì sao không thấy làm thành mứt dẻo, hồng khô như Đà Lạt. Cậu bảo, trồng không đủ bán tươi, năng suất không có thì lấy đâu ra bán mứt. Khí hậu ở đây tuyệt vời như Đà Lạt, con người cũng siêng năng cần mẫn, chỉ là đất đai quá nhiều đá. Đá xếp hàng rào, đá ngăn bờ ruộng, đá làm nhà, đá làm đường, đá đắp cả lên nấm mộ chôn giữa mênh mông xám xịt. Nhưng điều tuyệt vời nhất là mùa xuân đến, cao nguyên đá vẫn cứ nở hoa.
Một buổi trà rượu sáng
Cuối đường mòn đi bộ, tôi gặp 2 bà cháu người dân tộc và cho em bé vài chiếc kẹo. Chúng tôi cũng được một nhà dân mời uống rượu, nhưng đường xa, chỉ vào xin họ một chén nước trà. Rồi chúng tôi lại vội vã lên đường, bỏ lại một Mã Pí Lèng bồng bềnh mây trắng.
Nho Quế ngày mây phủ
Nếu một lần đến Mã Pí Lèng, hãy thử một lần đi bộ trên con đường nhỏ hẹp chênh vênh này, để thưởng ngoạn trọn vẹn cảnh sắc nơi cao nguyên đá.