Nằm trong chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang tổ chức chương trình khảo sát du lịch Hà Giang trong tình hình mới bằng xe ô tô tự lái nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới, bảo đảm yếu tố an toàn “xanh – xanh” để thí điểm đón khách nội địa, hướng tới đón khách quốc tế trong thời gian tới với tiêu chí an toàn, khép kín.
Nhiều điểm đến hấp dẫn trên Cao nguyên đá
Trong những ngày đầu đông này, cao nguyên đá Đồng Văn ngập tràn sắc hoa tam giác mạch. Tô vẽ thêm cho bức tranh đẹp hoang sơ của cao nguyên đá là những ngôi nhà bé xíu lưng chừng núi được xây bằng đất và xếp đá làm hàng rào. Dừng chân tại Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village nằm trên sườn núi thuộc xã Đông Hà, huyện Quản Bạ để tận hưởng các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm văn hóa vùng cao mang lại cho đoàn nhiều ấn tượng khó quên.
Trong hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, đoàn đã chinh phục những khúc cua ngoằn ngoèo trên đèo Thẩm Mã; chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi rừng tựa bức tranh phong cảnh cổ kính của thị trấn Đồng Văn; tận hưởng sắc màu rực rỡ của hoa tam giác mạch và những ngôi nhà cổ truyền thống của đồng bào dân tộc ẩn mình trong núi đá ở thung lũng Sủng Là; tìm hiểu về thôn Lô Lô Chải và cách làm homestay của đồng bào nơi đây. Bên cạnh đó, đoàn cũng khám phá đèo Mã Pì Lèng và trải nghiệm không gian cảnh sắc hai bên dòng sông Nho Quế bằng du thuyền…
Chia sẻ về hoạt động du lịch tại Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Mặc dù là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở nhưng nhiều năm trở lại đây, Hà Giang đã xây dựng được nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách, mang nét đặc trưng riêng. Vì thế, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Giang nằm trong số ít địa phương được du khách nội địa lựa chọn để khám phá. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá tại Việt Nam do hãng truyền thông CNN bình chọn.
Hoàn thiện sản phẩm, đón khách an toàn
Đề cập đến giải pháp thu hút khách du lịch đến Hà Giang, bà Lê Thị Thanh Hòa – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần tổ chức sự kiện và du lịch quốc tế New Word chia sẻ: Hà Giang đã xây dựng được sản phẩm du lịch bốn mùa với nhiều điểm đến hấp dẫn. Để thu hút du khách, các cơ sở lưu trú, điểm đến cần bảo vệ môi trường tự nhiên, xử lý rác thải tốt hơn, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng, xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách. Trong khi dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, cần nâng cao, chú trọng hơn nữa công tác kiểm dịch, thực hiện đầy đủ 5K, trong đó cần quan tâm việc kiểm tra khai báo y tế tại các chốt, phân luồng khi kiểm tra y tế, nên dành riêng lối đi cho khách du lịch…
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Hà Giang, ông Nguyễn Như Huấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Thông Xanh cho rằng: Hà Giang cần tập trung khai thác những tiềm năng và tài nguyên đang có; đồng thời, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện tại những điểm đến và tạo nên những không gian mang nét riêng của Hà Giang như: đồi hoa tam giác mạch, xây dựng những ngôi nhà truyền thống… để tạo điểm nhấn thu hút du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, đầu tư công trình dịch vụ lưu trú, nhà hàng và vui chơi giải trí như: dù bay, zipline trên sông Nho Quế, cầu kính; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên địa phương am hiểu các điểm tham quan.
Theo ông Đào Hồng Thương – Giám đốc Công ty Du lịch Vietsky Travel, Hà Giang nên đa dạng các món ăn tại địa phương và từng khu vực tại các nhà hàng, homestay trên các tuyến, điểm tham quan; đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến, có điểm dừng nghỉ cho khách du lịch ở thành phố Hà Giang để du khách có thể tham khảo thông tin cung đường và mua được đặc sản địa phương trước khi rời thành phố.
Từ thực tiễn, ông Phạm Hải Quỳnh – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho hay: Để phát triển du lịch Hà Giang cần có sự đồng bộ của cả hệ thống trong khởi động lại du lịch như: thống nhất xử lý phần mềm App quản lý về kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn, đặc biệt là an toàn về kiểm soát dịch khi đến mỗi tỉnh; mở thêm phần hỗ trợ dành riêng cho khách du lịch. Cần hơn nữa những dịch vụ thiết yếu mang giá trị riêng biệt, không trùng lặp của mỗi điểm đến, đặc biệt là văn hóa, ẩm thực. Nên xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển dần để đưa cộng đồng vào tham gia du lịch, phân bổ quyền lợi, nguồn lợi cũng như tạo nhiều sản phẩm du lịch, nguồn thu từ những sản phẩm, nghề truyền thống của địa phương.
“Du lịch mạo hiểm với các hình thức caravan, leo núi, dù lượn, khám phá hang động… đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả dòng sản phẩm này, Hà Giang cần chú trọng quản lý điểm đến, xây dựng lộ trình khép kín để tạo niềm tin, an toàn cho du khách. Ngoài ra, Hà Giang cần “bắt tay” với các địa phương lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn để xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm mang tính liên kết vùng” – ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ.
Tuấn Sơn